A review by cuongtrn
Đừng bao giờ buông dao by Trần Nguyên, Patrick Ness

5.0

“Cuộc sống không công bằng. Không hề. Không bao giờ công bằng. Nó vô nghĩa và ngu ngốc, chỉ có những khổ đau, tổn thương và những người muốn làm hại bạn. Bạn không thể yêu thương bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì, vì rốt cuộc những thứ ấy rồi cũng sẽ bị cướp đi hoặc bị hủy hoại, và bạn sẽ bị bỏ lại một mình, không ngừng phải chiến đấu, không ngừng phải bỏ chạy để sinh tồn.”

Đó là cuộc sống của Todd Hewitt. Todd Hewitt của Đừng bao giờ buông dao.

Todd là đứa con trai cuối cùng của thị trấn Prentiss – nơi chỉ còn lại toàn đàn ông, không có lấy bóng dáng một người phụ nữ, động vật thì biết nói, còn những luồng suy nghĩ của con người thì chỉ luôn chực trào tuôn như thác đổ. Ở đó, ở Prentiss, ở thế giới nơi mà chúng ta sắp sửa đặt chân tới – sẽ không bao giờ im lặng.

Người ta kể rằng, ở hàng ngàn năm của tương lai, khi Cựu Thế giới đã ô nhiễm và kiệt quệ tới mức không thể sinh tồn được nữa, con người quyết định sẽ đặt chân lên những chuyến tàu không gian để kiếm tìm hi vọng ở những miền đất mới. Tân Thế giới chính là nơi mà họ lựa chọn. Song, tương lai là thứ không bao giờ có thể đoán trước. Xú Vật – người bản địa, hay là những “chủng sinh vật có trí thông minh” đã phát động những cuộc chiến tranh đẫm máu. Chúng phát tán thứ vi khuẩn tồi tệ giết sạch phụ nữ, khiến động vật có thể chuyện trò, còn suy nghĩ của đàn ông thì được phô bày lồ lộ không che đậy. Yên tĩnh là thứ xa xỉ ở Tân thế giới. Bí mật là thứ xa xỉ ở Tân thế giới. Và có chăng, tình yêu thương cũng là điều tương tự, khi con người chỉ luôn chực săm soi, đào bới và lùng sục tâm trí kẻ khác hòng phát hiện những giá trị mà họ khao khát được giành lấy.

Đừng bao giờ buông dao là cuốn tiểu thuyết dystopia điển hình, lấy bối cảnh Hậu tận thế, cùng theo chân cậu nhóc Todd Hewitt – người mà chỉ tròn một tháng nữa sẽ ở thành đàn ông, Manchee – chú chó trung thành, đặc biệt dũng cảm và Viola – cô gái kỳ lạ ở trên trời rơi xuống, trong hành trình trốn chạy để giữ lấy mạng sống, vượt thoát khỏi những kẻ đang săn đuổi cậu vì những lý do bí ẩn. Truyện được đặt dưới mắt nhìn của Todd, được trần thuật theo trình tự thời gian tuyến tính, bắt đầu từ những ngày tháng “tươi đẹp” của Todd ở Prentiss cho tới khi những biến cố bất ngờ ập tới và buộc cậu phải bỏ lại tất cả những ai mà cậu yêu thương để giành giật lấy sự sống của chính bản thân mình.

Đừng bao giờ buông dao được Patrick Ness bao bọc trong một bầu không khí kỳ lạ, u ám, và đen tối tới kỳ quặc. Những trang đầu tiên dùng dằng chảy trôi với nhịp điệu chậm rãi, ở những trường đoạn miêu tả về thế giới, khắc họa về con người, rồi ngay lập tức đổ ào như thác lũ, cuộn xoáy như bão tố, khi bắt đầu dấn thân vào hành trình sinh tồn nghẹt thở của cậu bé Todd đáng thương. Có phải chính những người bản địa và chủng vi khuẩn chết tiệt của họ đã khiến cho thế giới mà Todd đang sống trở nên tồi tệ đến thế, hay sau đó còn hàm ẩn những nguyên do nào khác? Có những hiểm nguy nào đang kề cận, buộc Todd phải ra đi mà không có lấy một chút chuẩn bị nào từ trước? Có lý tưởng nào đang thôi thúc những kẻ theo gót cậu, thuần túy trong chúng chỉ là sự điên loạn, hay còn là những toan tính kinh tởm đến mức không tài nào có thể gọi tên? Patrick Ness đã không ngừng khiến độc giả phải thắc mắc, đã không ngại ngần mà đẩy ta vào vùng đầm lầy đen tối của những bí ẩn, khiến ta ngày một chìm ngập trong mơ hồ, trong hồi hộp lẫn cả trong nỗi hoảng loạn. Tờ Chicago Tribune đã nhắn gửi tới độc giả hãy “Đọc (Đừng bao giờ buông dao) một mình, hãy đọc (Đừng bao giờ buông dao) thâu đêm” và quả thực, cuốn sách đã khiến mình phải thức đêm ngấu nghiến tới độ khoảng gần hai giờ sáng.

Không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết sinh tồn ly kỳ, nghẹt thở, Đừng bao giờ buông dao còn ẩn chứa trong nó vô vàn những vấn đề xã hội, những thông điệp giàu sức nặng và đầy ý nghĩa từ vấn đề thực dân nô dịch, vấn đề hòa hợp những kẻ “xâm lăng” và những người bản địa, về nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, sự ích kỷ, sự thù hận, sự tha hóa. Và cả niềm hi vọng.

Niềm hi vọng là thứ được nhắc tới nhiều nhất trong truyện, là điều diệu kỳ, đẹp đẽ và trong sáng bậc nhất được khởi phát từ thực tại tăm tối, từ những thù hằn, bạo lực, độc ác, man rợ, và cả tuyệt vọng. Hi vọng của Ben. Hi vọng của Cillian. Hi vọng của mẹ Todd. Hi vọng của bố mẹ Viola. Hi vọng của Hildy, của những người dân lương thiện sống rải rác ở khắp Tân thế giới. “Hi vọng là thứ kéo ta về phía trước, có thể là thứ đẩy ta đi, nhưng nó cũng là một thứ nguy hiểm, đầy nỗi đau và thách thức thế giới.” Hi vọng có hai mặt, nhưng điều khủng khiếp gì có thể xảy ra chứ, một khi mà con người ta ngừng hi vọng?

Đừng bao giờ buông dao viết nhiều về hi vọng, về sức mạnh của hi vọng và cả những mặt trái của hi vọng, nhưng nó chưa bao giờ thôi nhắc ta phải luôn tiếp tục hi vọng. Hi vọng chỉ lối, hi vọng đưa đường. Hi vọng cho ta thấy những điều tốt dù thế giới giờ chỉ là một đống hỗn độn của đói nghèo, tội ác và đố kỵ.

Cái kết của Đừng bao giờ buông dao, đúng với vai trò của một cái kết mở đường cho những diễn tiến ở các phần truyện tiếp theo – đầy những bí ẩn và những ngã rẽ khó đoán định. Chuyện gì sẽ xảy đến, cái gì sẽ tiếp tục? Hành trình của Todd Hewitt – cậu nhóc mười ba tuổi – cư dân của một thị trấn không có phụ nữ, động vật biết nói, và đàn ông bị bủa đặc trong cái gọi là Tiếng Ồn, chỉ vừa mới được bắt đầu. Đánh giá: 4.5/5 sao.