A review by minguyen
Châu Phi Nghìn Trùng by Isak Dinesen

3.0

"Châu Phi Nghìn Trùng" là một hồi ức tuyệt đẹp nhưng chất chứa nhiều nỗi u buồn của Nam tước Karen von Blixen-Finecke về những năm tháng gắn bó với châu Phi tại một đồn điền cà phê dưới chân ngọn Ngong thuộc Tây Nam Kenya từ năm 1914 - 1931. Từ một nước thực dân chuyển đến làm việc và sinh sống tại một xứ thuộc địa, cô rũ bỏ vẻ xa hoa lộng lẫy, trở thành một bà chủ đồn điền đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Hơn 20 năm sống trên miền đất đầy nắng và gió, Isak Dinesen (tên khai sinh của bà) đã trở thành một phần của châu Phi, chứ không phải một người bóc lột, một thực dân xâm lược. Bà nâng niu trẻ nhỏ, ân cần chữa bệnh cho người bản địa, xông xáo cùng những người làm thuê và hào sảng tiếp đón các vị khách đủ mọi quốc tịch đến đồn điền.

Dưới con mắt ngạc nhiên và sẵn sàng đón nhận cùng ngòi bút giàu sức gợi, châu Phi hiện ra như một kỳ quan thiên nhiên. Giọng văn nữ tính của Dinesen đã say mê tỉ mỉ mô tả những kỳ thú thiên nhiên một cách tuyệt đẹp và sống động. Ở thời kỳ truyền hình chưa phổ biến, không có Discovery hay National Geographic, châu Phi vẫn là một vùng đất xa xôi bí ẩn, những áng văn trong “Châu Phi Nghìn Trùng” thực sự mở mang tầm mắt cho các độc giả trên toàn thế giới. Mình cũng có cảm giác đang đứng trong một khu safari hoang dã hùng vĩ, tiếng nhạc “Circle of Life” trong “Lion King” vang lên bên tai. Nhưng cũng vì cuốn hồi ký này say sưa mô tả cuộc sống, những mối quan hệ, văn hóa và thiên nhiên, hầu như không thể tìm thấy cốt truyện và hành động trong cả 400 trang sách.

Quyển này mình buddy read với một bạn trên Facebook, chắc bạn ý cũng không định viết review đâu nên mình share thêm quan điểm từ một độc giả hiện đại. Bạn không thích tâm thế của tác giả viết quyển này như một người văn minh đi khai sáng thuộc địa. Bạn cảm thấy có sự coi thường văn hóa châu Phi ở đây. Cuối cùng, bạn bỏ dở từ nửa quyển khi giọng điệu thượng đẳng trở nên dày đặc.

Mình thấy ý kiến này khá phổ biến với những độc giả 9x và trẻ hơn, mình hiểu tại sao bạn cảm thấy thế, chính mình ban đầu cũng cảm thấy đây là lời kể của một thực dân da trắng được hưởng mọi đặc quyền ở xứ thuộc địa. Nếu bạn là một người nhạy cảm về vấn đề phân biệt chủng tộc, mình nghĩ bạn sẽ đôi lúc phải nhíu mày với cách tác giả mô tả người bản địa khác biệt về hiểu biết, tư duy, quan niệm, văn hóa, tín ngưỡng… Nhưng khi đặt ở bối cảnh cuốn sách ra đời, Dinesen thực sự là một người phụ nữ dũng cảm và hào sảng. Mình thực sự ghi nhận những thành tựu khi bà một mình quản lý trang trại trong khi người chồng chỉ rong chơi, săn bắn rồi lại ngoại tình. Bà tạo được mối quan hệ với giới quan chức ở Nairobi, bà thân thiện và nhận được sự tôn trọng từ người bản xứ. Bà nhiều lần đứng ở vị trí phân xử cho những tình huống nhạy cảm ở địa phương. Cuốn sách nhận được khá nhiều lời khen ngợi và Dinesen được coi là biểu tượng của nữ quyền thời bây giờ, bà được đánh giá là một người da trắng có tư tưởng vượt tầm giai cấp. Mình cảm thấy nó khá tương đồng cách Harriet Beecher Stowe thi vị hóa chế độ nô lệ ở miền Bắc nước Mỹ trong “Túp Lều Bác Tom”.

Đặc biệt ở chương cuối, (chỗ này không hẳn là spoil, bạn có thể biết được nội dung này ngay từ phần giới thiệu sách), khi Dinesen làm ăn thua lỗ, không thể trụ nổi công việc làm ăn, bà đành bán đồn điền và trở về châu u. Mình cảm nhận được bà đã rất nỗ lực sắp xếp chỗ ở, công việc cho những người dân bản địa đã phụ thuộc vào trang trại của cô để mưu sinh trong suốt nhiều năm. Rời xa mảnh đất yêu thương, gắn bó và nhiều kỷ niệm này cũng khiến trái tim bà tan nát. Mình vẫn đánh giá Dinesen là một người phụ nữ can đảm, có nhân phẩm và giàu lòng nhân ái. Chương này thể hiện nhiều nhất con người và tình cảm của Dinesen. Hơn nữa, xét về quốc tịch, bà cũng không mang quốc tịch của nước xâm lược (Anh), đất đai do cô bỏ tiền mua, tự thuê nhân công bản địa, cũng khá tội nếu khép bà ngang hàng với tầng lớp bóc lột. Mình tin bà đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với người bản địa và ngược lại, họ cũng đã trở thành một phần kí ức vô cùng mãnh liệt của bà.

Bộ phim “Out Of Africa” phát hành năm 1985 với diễn xuất của nữ diễn viên nổi tiếng Meryl Streep được chuyển thể từ quyển hồi ký này và một vài những sáng tác khác của Dinesen. Bộ phim này xây dựng lại chuyện tình và cuộc sống của tác giả tại châu Phi, có cốt truyện, có đầu có kết rất ổn… Kết lại, nếu bạn thích một cốt truyện rõ ràng thì nên xem phim thôi; chỉ đọc sách nếu bạn thích những đoạn tả dài miên man bất tận, thích văn hóa châu Phi và thích thể loại hồi ký.