A review by minguyen
Phía Tây không có gì lạ by Erich Maria Remarque

3.0

Nếu Thế Chiến thứ II là chủ đề ưa thích của mình, thì chủ đề Thế Chiến thứ I mình chưa tiếp cận nhiều, nên “Phía Tây Không Có Gì Lạ” đã gây nhiều hứng thú cho mình tìm đọc. Điểm khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất là cuộc chiến này thô sơ hơn rất nhiều, không có sự can thiệp của những vũ khí hủy diệt, chiến tranh đánh đổi bằng máu thịt theo đúng nghĩa đen.

Cuốn sách được viết dưới góc nhìn của một người lính trẻ tên Paul, cũng như nhiều thanh niên Đức khác, phải dừng việc học và cùng với bạn bè cầm súng và bước vào mặt trận Tây Đức trong Thế chiến thứ I. Những người lính ấy, trước khi xung trận, mang trong mình một lý tưởng bảo vệ cho đất mẹ, một tinh thần yêu nước lớn lao. Nhưng khi ra đến mặt trận phía Tây - mặt trận Đức - Pháp, lý tưởng hoàn toàn sụp đổ, bản năng trỗi dậy, niềm ham sống sợ chết bùng lên. Những người lính lớn tuổi, có gia đình, có đất đai, có nghề nghiệp, họ ra trận để bảo vệ quyền sở hữu đó. Còn những chàng trai mười chín đôi mươi kia tay trắng bước vào một cuộc chiến phi nghĩa, để rồi bị tước đoạt vĩnh viễn những năm tháng thanh xuân tươi đẹp. Bị bào mòn đi về cả tâm hồn lẫn thể xác, họ chỉ còn biết đến chết chóc: "Nhiều năm qua công việc duy nhất của chúng tôi là giết chóc. Đó là nghề nghiệp đầu tiên của chúng tôi trong đời. Sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi chỉ giới hạn trong cái chết".

Từng là một người lính trong Thế chiến thứ I, tác giả viết cuốn sách dựa vào chính trải nghiệm thực tế của mình. Chiến tranh dưới ngòi bút của Remarque tràn ngập bạo lực và chết chóc, chân thật đến rùng rợn với những chồng xác chết chất đống, những vết thương lở loét, những bệnh viện dã chiến chủ yếu để cưa tay, cưa chân, những hố bom sâu hoắm…

Không hoàn toàn bi lụy, đôi khi ta bắt gặp những đoạn trào phúng sâu cay “Trái lại, Kropp lại là một nhà tư tưởng. Cậu ta đề xuất nghi thức tuyên chiến nên là một lễ hội của dân chúng, có vé vào cửa và âm nhạc đàng hoàng, giống như thi đấu bò tót. Sau đó trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước sẽ mặc quần bơi, cầm gậy xông vào phang nhau. Vị nào trụ lại được, thì nước của vị ấy thắng trận. Được thế sẽ đơn giản và tốt hơn là ở đây, nơi toàn những người chả thù oán gì cứ phải choảng nhau.” Trong trận chiến ấy, không ai giỏi hay dũng cảm, mưu trí hơn ai, mạng sống của bạn được quyết định nhờ sự may mắn.

Nhờ tính chân thực này, các tác phẩm của Remarque luôn bán chạy nhất thời điểm đó. Tuy nhiên, sau năm 1933, các tác phẩm của ông đều bị cấm và đốt tại Đức, ông bị tước quốc tịch và sống lưu vong suốt phần đời còn lại.

Có thể nói, cuốn sách này đi đầu trong thể loại “phản chiến” - mà sau này rất nhiều cuốn sách viết về các cuộc chiến khác đã lấy cảm hứng. Bỏ qua hết những lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, hay chủ nghĩa anh hùng, đã chiến tranh thì đều là vô nghĩa. Tuy hiểu được giá trị của cuốn sách, mình vẫn không hợp với lối văn phong chỉ rặt kể lể như này. Có 2-3 chương được viết tốt khi thêm chút miêu tả tâm lý nhân vật, đa phần còn lại mình không cảm nhận được nhiều tính văn chương.

Nhìn chung, đây là một cuốn sách đáng đọc với nội dung hay, giá trị hiện thực lớn, góc nhìn thú vị, thực sự một tượng đài về Thế Chiến thứ I, nhưng có lẽ không hợp gu của mình.