A review by minguyen
Catch-22 by Joseph Heller

Kết thúc năm 2022 bằng chiếc review về cuốn sách khó đọc nhất năm (rất may không phải chỉ mình mình nghĩ vậy, cuốn này thực sự nằm trong list 7 cuốn sách hay nhưng khó hoàn thành bên cạnh Lược Sử Thời Gian, Trăm Năm Cô Đơn, hay Những Người Khốn Khổ). Nó khó đến mức mình phải lên story xin động lực từ những bạn đọc rồi. Chỉ có 3 bạn thích cuốn sách này, họ đều nhắn gửi 1 nội dung giống nhau “Phải đọc 3 lần mới hiểu.”

“Bẫy 22” là câu chuyện giả tưởng về một liên đoàn không quân Hoa Kỳ trên hòn đảo Pianosa tại Ý trong Thế chiến thứ II. Đáng lẽ, các phi công phải bay một số lượng chuyến cắt bom nhất định, trước khi giải ngũ về nước. Tuy nhiên, liên đoàn này được quản lý bởi một đại tá hám quyền, hám danh, liên tục nâng số chuyến bay lên. Và thế là, thời gian trong quân ngũ của những người lính cứ kéo dài, cho đến khi họ tử trận.

Nội dung đồ sộ, ngôn từ thiếu nghiêm túc, cấu trúc câu văn dài dòng một cách có chủ đích, và cuối cùng sự kiên nhẫn của độc giả thực sự bị thách thức bởi dòng thời phi tuyến tính. “Bẫy 22” sở hữu cách triển khai cốt truyện rất sáng tạo, có thể gọi là kì lạ hoặc điên rồ. Khoảng 200 trang đầu, bạn phải tiếp nhận một loạt các nhân vật và các sự kiện rời rạc, khó nhớ. Mỗi chương lại kết thúc bằng một tên nhân vật, mở ra nội dung của chương tiếp theo, làm độc giả có cảm giác truyện kể theo trình tự thời gian. Ở 200 trang tiếp theo, các sự kiện bắt đầu lặp lại, theo một góc nhìn khác, xáo trộn toàn bộ thứ tự kể ban đầu, và độc giả bắt đầu thấy được sự liên kết. Và 200 trang cuối cùng làm sáng tỏ cách thức vận hành của liên đoàn Không quân này. Gấp cuốn sách lại, mặc dù vẫn còn hoang mang về cái kết, bạn phải tự mình nhớ lại và sắp xếp lại những mảnh ghép cho một bức tranh vô cùng hack não.
Tuy tuyến nhân vật dày đặc, sơ sơ khoảng 50 người, nhưng ai cũng có cá tính riêng, đáng nhớ và có chiều sâu. Từng nhân vật đều được dành thời gian mô tả diễn biến tâm lý chân thực và sống động. Dù là chính diện hay phản diện, họ đều có một nét tương đồng phi lý: Họ tin rằng trừ mình ra, tất cả người khác đều phát điên rồi. Nếu dùng một từ để miêu tả về nội dung cuốn sách này, đó phải là từ “điên rồ”: cả liên đoàn Không quân này như một trại tâm thần trong “Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu” vậy. Tình huống điên rồ, làm cho các nhân vật cư xử không bình thường; rồi đẩy con người vào một cái bẫy luẩn quẩn, phi lý một cách… hợp lý. Những nhân vật này chỉ là thành phần của một xã hội phi lý, điên loạn, tàn bạo nhưng lại được chấp nhận sự một sự hiển nhiên. Thế chiến thứ II không phải là nơi chính nghĩa chiến thắng bạo tàn, mà là sân khấu khoe khoang của những chính trị gia, hay là một thương vụ làm ăn lớn, mà người được lợi nhiều nhất lại chính là nước Mỹ.
Sẵn sàng cho chuyện sự kiên nhẫn của mình bị thách thức thôi chưa đủ, bạn cũng cần chuẩn bị cho mình một tâm hồn đẹp để tiếp nhận lối viết trào phúng khó tiếp nhận. Ngòi bút dark humor được phát huy tối ưu qua những tình huống và các cuộc đối thoại ngớ ngẩn. Tuy vậy, tinh thần phản chiến chảy tràn trên từng trang sách. Sách chiến tranh gì mà chỉ có vài cảnh chiến đấu, không một dòng mô tả kẻ thù, không có chỗ cho lòng dũng cảm, sự hy sinh hay chính nghĩa. Những nét tương phản nhằm lên án sự phi nghĩa của chiến tranh. Mỗi chuyến bay như con dao kề trên cổ người lính, lần này cái chết sẽ giáng xuống đầu ai? Liệu chúng ta có đang tiêu tốn thời gian, tiền bạc và sinh mạng vào những trò vô bổ? Đọc “Bẫy 22”, mình được tiếp cận đến nhiều quan điểm, tư tưởng mà mình chưa từng bắt gặp ở những cuốn sách phản chiến khác (cho dù cuốn sách đã ra đời được hơn 50 năm).


Năm 1942, ở tuổi 19, tác giả Joseph Heller gia nhập U.S. Army Air Corps. 2 năm sau, ông được gửi đến Mặt trận Ý để điều khiển máy bay ném bom B-25. Tại đây, ông thực hiện 60 nhiệm vụ, mà sau này khi nhớ lại, phần lớn những chuyến đó đều là “chuyến bay vắt sữa” - những nhiệm vụ bay không hoặc rất ít khi gặp pháo phòng không hoặc máy bay chiến đấu của đối phương. Từ trải nghiệm không hề vẻ vang như tuyên truyền, Heller viết nên “Bẫy-22”. Cuốn sách ban đầu được đặt là “Bẫy-18”, sau được nhà xuất bản yêu cầu đổi tên để tránh nhầm lẫn với một cuốn sách khác. Cái tên “Bẫy-22” được lựa chọn, con số lặp lại 22 cũng phần nào thể hiện những khoảnh khắc deja vu diễn ra trong các tình tiết truyện. Cuốn sách thu hút sự chú ý tại nước Mỹ, như một cú tát vào mặt những người dân, người lính vẫn tin tưởng vào sự đóng góp lớn lao của Mỹ vào Thế chiến thứ II. Mình hoàn toàn hiểu tác động của cuốn sách tới sự thay đổi tư duy của người Mỹ vào thời điểm đó, trực tiếp nhất là sự phản đối của người trẻ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Cũng như “Phía Tây Không Có Gì Lạ”, “Bẫy-22” từng bị cấm và nhận về nhiều ý kiến trái chiều, trước khi được công nhận là một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất mọi thời đại.
Bản thân cụm từ “Bẫy-22” sau này cũng được có đời sống cá nhân của nó, để chỉ một tình huống nghịch lý mà một cá nhân không thể thoát khỏi đó vì các quy tắc hoặc giới hạn trái ngược nhau (mình chỉ dịch lại thôi, chứ để hiểu kỹ hơn thì chắc bạn phải đọc quyển sách này hoặc tự google tìm ví dụ nhé.)


Vì sự phức tạp của nó, cuốn sách sẽ chỉ phù hợp với những bạn thích chủ đề phản chiến, yêu dòng văn học châm biếm, và sở hữu một sự kiên trì đáng nể. Đủ 3 yếu tố trên, mình tin “Bẫy-22” sẽ mang đến cho bạn một bữa tiệc cảm xúc. Với những đối tượng còn lại, cuốn sách này sẽ là một trải nghiệm khá khổ sở đấy. Mình không dám đưa ra lời khuyên nào cho những bạn sắp đọc, vì sẽ không có một tip đọc sách nào phù hợp cho quyển này. Đọc lần 1, bạn chỉ hiểu được bối cảnh và ý tưởng của tác giả. Lần 2, bạn vẽ được dòng thời gian diễn ra từng sự kiện. Và ở lần thứ 3, may ra bạn mới có thể cảm nhận được thông điệp và ý nghĩa qua con chữ. Liệu có mấy ai dành sự kiên nhẫn cho 1 cuốn sách gần 600 này?
Riêng cá nhân mình, trong 3 yếu tố trên, mình chỉ đạt được yếu tố đầu tiên - sự quan tâm đến dòng văn học phản chiến, yếu tố thứ 3 - sự kiên trì cũng ở mức vừa phải để có không bỏ ngang. Nên mình chỉ dám nói, cuốn sách này chứa đựng những tinh thần phản chiến mà mình không bắt gặp ở bất kỳ cuốn sách nào trước đây. Tuy nhiên, trào phúng không phải là gu của mình (như những gì mình cảm nhận ở cuốn “Phía Tây Không Có Gì Lạ” - đa phần những người thích nó đều có thể bật cười trước những chi tiết bi hài kịch, còn mình thì không) nên khả năng đọc lại quyển này sẽ rất thấp.